Năng lượng sạch

Speeches Shim

Tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam đã thúc đẩy tăng trưởng đáng kể về nhu cầu điện với tốc độ tăng trưởng hàng năm là 13% kể từ năm 2000 và được dự báo sẽ tiếp tục ở mức 8% đến năm 2030. Việt Nam sẽ cần 8-10 tỷ đô la mỗi năm để đầu tư vào lĩnh vực năng lượng trong thập kỷ tới nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng đang ngày càng gia tăng và tình trạng thiếu hụt năng lượng đã được dự báo. Những lo ngại về giá thành cao, an ninh năng lượng, tác động đến môi trường và sức khỏe và các dịch vụ năng lượng chưa hoàn thiện đã khiến những quốc gia như Việt Nam phải hướng đến việc kết hợp đa dạng các nguồn năng lượng.  Với tiềm năng đáng kể về nguồn năng lượng tái tạo và dựa trên thành công của cơ chế giá FIT cho điện mặt trời, Việt Nam đã thu hút được nhiều nguồn đầu tư từ các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, việc thiếu các chính sách dài hạn, hợp đồng mua bán điện không thu hút được các tổ chức tài chính và hạ tầng lưới điện chưa đủ đáp ứng là những cản trở chính cho việc tăng cường đầu tư vào các hệ thống năng lượng sạch ở Việt Nam.

NĂNG LƯỢNG SẠCH

Các dự án về năng lượng của USAID Việt Nam, trong đó có Dự án Năng lượng phát thải thấp Việt Nam I và II (V-LEEP I và V-LEEP II) đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Chính phủ Việt Nam ở trung ương nhằm xây dựng và thực thi các chính sách và quy hoạch về năng lượng giúp hỗ trợ việc mở rộng quy mô lĩnh vực năng lượng sạch và huy động nhiều vốn đầu tư cần thiết từ khu vực tư nhân. Nhằm hỗ trợ Việt Nam đa dạng hóa nguồn năng lượng và giảm phụ thuộc vào nhiệt điện than, USAID đang phối hợp với Chính phủ Việt Nam và khu vực tư nhân để thúc đẩy việc sản xuất điện từ khí với chi phí hợp lý, đáng tin cậy và có thể mở rộng quy mô thông qua sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) nhập khẩu và các nguồn khí tự nhiên trong nước. Thông qua Dự án An ninh Năng lượng Đô thị, USAID đang hỗ trợ giải quyết nhu cầu năng lượng đang gia tăng nhanh chóng của Việt Nam thông qua phối hợp với chính quyền các thành phố trọng điểm nhằm xây dựng và thực hiện các quy hoạch năng lượng đô thị, đồng thời tạo ra cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp nhằm thúc đẩy triển khai các giải pháp năng lượng phân tán và tiên tiến như điện mặt trời áp mái, pin lưu trữ, điều chỉnh phụ tải điện và các phương tiện chạy bằng điện.

CÁC DỰ ÁN

  • Dự án Năng lượng Phát thải Thấp Việt Nam (V-LEEP I): hỗ trợ Chính phủ Việt Nam xây dựng và thực hiện các chiến lược năng lượng dài hạn, huy động đầu tư tư nhân cho lĩnh vực năng lượng tái tạo và cải thiện tuân thủ đối với việc sử dụng hiệu quả năng lượng trong công nghiệp. Thời gian thực hiện: 2015-2021; Ngân sách: 16 triệu đô la.
  • Dự án Năng lượng Phát thải Thấp Việt Nam (V-LEEP II): hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi sang lĩnh vực năng lượng sạch, bảo đảm và theo định hướng thị trường thông qua huy động đầu tư cho việc triển khai các hệ thống năng lượng tiên tiến, tăng cường tính linh động của hệ thống điện và nâng cao năng lực cạnh tranh. Thời gian thực hiện: 2020-2025; Ngân sách: 36,25 triệu đô la.
  • Dự án An ninh Năng lượng Đô thị: phối hợp với thành phố Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh nhằm cải thiện môi trường tạo thuận lợi cho triển khai và đầu tư vào các giải pháp năng lượng phân tán, hỗ trợ việc áp dụng các giải pháp năng lượng sáng tạo và huy động đầu tư tư nhân cho các giải pháp năng lượng phân tán. Thời gian thực hiện: 2019-2023; Ngân sách: 14 triệu đô la.
Date 
17-11-2020 05:00