Press Release Shim
Speeches Shim
Dùng để đăng ngay
Hà Nội, 26/11/2018 -- Ngày 23-24/11/2018, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã tổ chức một hội thảo tại Quy Nhơn với sự tham gia củacác nhà lãnh đạo doanh nghiệp khu vực miền trung Việt Nam. Đại diện hiệp hội các doanh nghiệp đã cam kết tích cực chống lại việc tiêu thụ trái phép các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã thông qua đề xuất và xây dựng những sáng kiến mới nhằm đối phó với tội phạm về động vật hoang dã và xoá bỏ những lời đồn thổi không có cơ sở khoa học về tác dụng của các sản phẩm này. Những lời đồn thổi như vậy đang là tác nhân thúc đẩy việc buôn bán trái phép trong và ngoài nước.
Tại hội thảo, đại diện 25 hiệp hội doanh nghiệp đã xây dựng bản kế hoạch hành động với mục tiêu lồng ghép thông điệp bảo vệ động, thực vật hoang dã vào chính sách trách nhiệm xã hội (CSR) của các hoạt động hiệp hội. Các lãnh đạo hiệp hội cũng đã ký văn bản cam kết về việc sẽ dùng sự ảnh hưởng của mình để truyền cảm hứng cho người thân, đồng nghiệp và các đối tác trong cộng đồng doanh nghiệp trong việc chung tay bảo vệ các loài động, thực vật hoang dã khỏi nguy cơ tuyệt chủng.
"Thông qua việc cam kết trở thành những tác nhân thay đổi, các nhà lãnh đạo này có thể gây ảnh hưởng lên các quyết định chính sách trong tổ chức của họ và phổ biến những thông điệp quan trọng thông qua mạng lưới của họ - tất cả những điều này giúp Việt Nam hướng tới việc chấm dứt hoàn toàn nạn buôn bán và tiêu thụ trái phép động, thực vật hoang dã,” ông Michael Greene, Giám đốc USAID tại Việt Nam, chia sẻ.
Hội thảo tập huấn là một hoạt động của Sáng kiến Chí Giai đoạn 3 được thực hiện trong khuôn khổ Chương trình Động vật hoang dã Châu Á của USAID. Sáng kiến Chí áp dụng phương pháp tiếp thị xã hội sử dụng các thông điệp thay đổi hành vi nhằm giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ trái phép sừng tê giác và các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã. Được phát động bởi Mạng lưới giám sát buôn bán động, thực vật hoang dã TRAFFIC, Sáng kiến Chí đã kết thúc 2 giai đoạn và đào tạo được hơn 20.000 doanh nhân về lồng ghép thông điệp bảo tồn vào chính sách trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp họ. Doanh nhân là nhóm đối tượng chính mà Sáng kiến Chí tiếp cận vì một nghiên cứu gần đây của Tổ chức TRAFFIC đã xác định họ là nhóm chủ chốt sử dụng sừng tê giác. Các doanh nghiệp lớn đã tham gia, ủng hộ tích cực Sáng kiến Chí trong những năm vừa qua có thể kể đến Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Sun Group, Công ty Gốm sứ Quang Vinh và Công ty TNHH The Body Shop Việt Nam.
Cùng với Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng và Cần Thơ, Đà Nẵng là một thành phố quan trọng cho các hoạt động của Chương trình Động vật hoang dã Châu Á của USAID. Theo một nghiên cứu được thực hiện với tài trợ của USAID, với lợi thế nằm trên trục giao thông Bắc – Nam, Đà Nẵng được xác định là một điểm nóng về buôn bán và trung chuyển trái phép các sản phẩm có nguồn gốc từ động, thực vật hoang dã tại Việt Nam. Chỉ tính riêng trong năm 2018, đã có ít nhất 8 vụ bắt giữ liên quan đến động, thực vật hoang dã tại thành phố cảng này với nhiều tang vật thu được, trong đó có 6 tấn vảy tê tê và 2 tấn ngà voi. Hơn thế nữa, Việt Nam còn được biết đến là quốc gia tiêu thụ các sản phẩm trái phép này, bao gồm sừng tê giác, vảy tê tê, ngà voi và xương hổ.
Tại hội thảo tập huấn, 35 đại biểu đã được giới thiệu và học cách áp dụng các phương pháp truyền thông thay đổi hành vi xã hội và thực hiện trách nhiệm xã hội nhằm chống lại nạn buôn bán, tiêu thụ trái phép động, thực vật hoang dã tại Việt Nam. Sau khi được đào tạo, các lãnh đạo hiệp hội doanh nghiệp này sẽ thực hiện việc lan toả thông điệp bảo vệ động, thực vật hoang dã tới các hội viên, doanh nghiệp, khách hàng, hay đối tác của họ nhằm chung sức tạo ra thay đổi trong các chuẩn mực xã hội.
Để biết thêm thông tin về Chương trình Động vật hoang dã Châu Á của USAID: www.usaidwildlifeasia.org
Để xem ảnh sự kiện, truy cập: https://goo.gl/Z9vV3n
Comment
Make a general inquiry or suggest an improvement.