Speeches Shim
Buôn bán các loài hoang dã, bao gồm săn bắt và buôn bán trái pháp luật các loài động vật biển và động vật trên cạn, là một trong những mối quan tâm hàng đầu về đa dạng sinh học của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa kỳ (USAID). Tội phạm về buôn bán các loài hoang dã trên quy mô toàn cầu đang gia tăng với tốc độ chóng mặt và đã tới mức khủng hoảng với thị trường buôn bán trái pháp luật các loài hoang dã ước tính lên đến 20 tỉ đô la mỗi năm. Việt Nam là điểm đến và điểm trung chuyển ngà voi, vẩy tê tê và sừng tê giác châu Phi. Việt Nam bị ảnh hưởng bởi các chuẩn mực văn hóa cho rằng việc tiêu dùng đồng vật hoang dã có thể nâng cao vị thế xã hội và niềm tin sai lầm về lợi ích sức khỏe của việc tiêu dùng động vật hoang dã.
Dự án Phòng, chống buôn bán trái pháp luật các loài động, thực vật hoang dã do USAID tài trợ được thực hiện phối hợp với Cơ quan quản lý CITES Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Mạng lưới giám sát buôn bán động, thực vật hoang dã (TRAFFIC) tại Việt Nam và Hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã (WCS) cũng là các đối tác của dự án. Dự án sẽ phối hợp với các cơ quan của Chính phủ Việt Nam để thực hiện các mục tiêu sau:
- Giảm nhu cầu và tiêu thụ bất hợp pháp các loài hoang dã cũng như các sản phẩm có nguồn gốc từ các loài hoang dã bằng cách tác động đến hành vi, niềm tin, chuẩn mực xã hội và kỳ vọng văn hóa của các nhóm đối tượng chính có ảnh hưởng đến việc tiêu thụ các loài hoang dã và sản phẩm từ chúng.
- Tăng cường thực thi pháp luật, truy tố tội phạm thông qua hỗ trợ nâng cao năng lực cho các cơ quan tư pháp, thực thi pháp luật và hải quan; đưa và lồng ghép nội dung về phòng chống buôn bán trái pháp luật các loài hoang dã vào chương trình giảng dạy chính thức trong hệ thống đào tạo tư pháp, lực lượng cảnh sát và hải quan.
- Cải thiện và thống nhất hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về vi phạm các loài hoang dã thông qua việc khắc phục các hạn chế về pháp luật và quản trị nhà nước, hỗ trợ việc tuân thủ thương mại, khắc phục tình trạng chồng chéo về thẩm quyền, sự không rõ ràng hoặc mâu thuẫn về nhiệm vụ của các cơ quan quản lý và các bất cập của pháp luật.
Dự án tập trung bảo tồn các loài: tê giác châu Phi, voi châu Phi và châu Á và tê tê. Tuy nhiên, các hoạt động của Dự án cũng góp phần bảo tồn các loài hoang dã khác thông qua cải thiện quản trị nhà nước, thực thi pháp luật và nâng cao nhận thức. Dự án tập trung triển khai hoạt động ở những thành phố lớn nơi tiêu thụ nhiều các loài nêu trên, cũng như tại các khu vực như sân bay, hải cảng và vùng biên giới, nơi diễn ra việc buôn bán trái pháp luật các loài hoang dã.
Để hỗ trợ Chính phủ Việt Nam đạt được ba mục tiêu trên, Dự án sẽ làm việc với các tổ chức, đối tác mong muốn góp phần thực hiện ba hợp phần nêu trên thông qua các hình thức hợp đồng, tài trợ và đồng tài trợ.
Comment
Make a general inquiry or suggest an improvement.