Flag of Vietnam

Y tế

Ngôn ngữ: English | Vietnamese

Speeches Shim

Với hỗ trợ từ USAID, Việt Nam đã triển khai cung cấp dịch vụ dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) trên toàn quốc.
Với hỗ trợ từ USAID, Việt Nam đã triển khai cung cấp dịch vụ dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) trên toàn quốc.
USAID/PATH Healthy Markets

Trong một vài thập kỷ vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã đạt những bước tiến đáng kể trong việc cải thiện sức khỏe của người dân. Tuy nhiên, những quan ngại về y tế công cộng vẫn có khả năng đe dọa việc duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững. Sự xuất hiện lao kháng thuốc, sự bùng phát dịch cúm gia cầm độc lực cao ở động vật và người, mối đe dọa đại dịch HIV trong các nhóm quần thể đích, hệ thống y tế yếu kém và những hạn chế về nguồn nhân lực có thể hạn chế sự tăng trưởng liên tục của Việt Nam. Ngoài ra, các dịch vụ y tế còn hạn chế dành cho các nhóm dân cư dễ bị tổn thương, như các nhóm dân tộc thiểu số, đã dẫn đến những khoảng trống đáng kể về cung cấp dịch vụ, làm giảm các chỉ số về y tế và giảm các cơ hội kinh tế.

Chương trình Y tế của USAID Việt Nam có mục tiêu tăng cường phòng ngừa và kiểm soát các bệnh truyền nhiễm thông qua xây dựng các hệ thống y tế bền vững hỗ trợ những nỗ lực của Việt Nam trong việc lập kế hoạch, cung cấp tài chính và thực hiện các giải pháp. USAID quản lý các hoạt động với quy mô lớn để giúp phòng chống HIV/AIDS cũng như điều trị và chăm sóc người có HIV. Ngoài ra, USAID phối hợp chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam và các tổ chức dựa vào cộng đồng để cung cấp hỗ trợ tài chính và kỹ thuật nhằm mở rộng và cải thiện các dịch vụ phòng, chống HIV và lao, tăng cường sự làm chủ của địa phương đối với chương trình phòng chống và điều trị HIV và lao, đồng thời tăng tính hiệu quả của Việt Nam trong công tác kiểm soát các mối đe dọa sức khỏe toàn cầu ưu tiên do các bệnh truyền nhiễm gây ra.

CÁC DỰ ÁN

  • Dự án Hoàn thành Mục tiêu và Duy trì Kiểm soát Dịch HIV/AIDS (EpiC): tăng cường và cung cấp các cải tiến sáng tạo trong các dịch vụ HIV và hỗ trợ chuyển giao chương trình phòng chống HIV/AIDS sang cho Việt Nam làm chủ thông qua hỗ trợ kỹ thuật có mục tiêu ở 6 tỉnh nhằm hoàn thành mục tiêu “90-90-90” đầy tham vọng của Việt Nam. 2020-2024; kinh phí ước tính: 16 triệu đô la.

  • Thúc đẩy tăng trưởng thị trường: nhằm mục đích phát triển một thị trường khả thi cho hàng hóa và dịch vụ liên quan đến HIV và hợp tác với chính phủ Việt Nam cùng các bên liên quan khác để tiếp cận và đáp ứng nhu cầu về dự phòng, xét nghiệm và điều trị HIV. 2014-2021; 20,7 triệu đô la.

  • Tăng cường kết nối cộng đồng phòng chống HIV phía Nam: xác định những người nguy cơ cao nhiễm HIV  và khó tiếp cận tại Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai và kết nối họ với các dịch vụ xét nghiệm và điều trị. 2016-2021; 4,1 triệu đô la.

  • Tăng cường kết nối cộng đồng phòng chống HIV phía Bắc: mở rộng các dịch vụ HIV tại cộng đồng do các tổ chức xã hội dân sự và các tổ chức dựa vào cộng đồng cung cấp. 2017-2022; 4,5 triệu đô la.

  • Phát triển hệ thống y tế bền vững (LHSS): phối hợp với Chính phủ Việt Nam để gia tăng nguồn tài chính trong nước cho lĩnh vực y tế và tăng cường tính bền vững của các cơ chế tài chính trong nước để Việt Nam có thể tự chủ hơn về tài chính, quản trị và kỹ thuật đối với chương trình phòng chống HIV và lao của quốc gia. 2020-2024; 12,3 triệu đô la.

  • Tăng cường hệ thống thông tin chiến lược: cung cấp hỗ trợ kỹ thuật nhằm tăng cường các hệ thống thông tin chiến lược tại cộng đồng, cấp tỉnh và cấp quốc gia về giám sát và kiểm soát bệnh dịch nhằm theo dõi tiến độ đạt được các mục tiêu của dự án và tăng cường việc làm chủ dữ liệu tại địa phương để hỗ trợ quá trình ra quyết định. 2018-2023; 2 triệu đô la.  

  • Số hóa thông tin y tế : mục tiêu chính của dự án là củng cố nền tảng hệ thống thông tin y tế (HIS) nhằm thúc đẩy tính hiệu quả và tăng cường việc sử dụng dữ liệu cho các tỉnh được chương trình PEPFAR hỗ trợ. 2020-2022; 3 triệu đô la.

  • Giám sát và Phát hiện bệnh truyền nhiễm (IDDS): cung cấp hỗ trợ kỹ thuật nhằm nâng cao năng lực cho Chương trình Chống Lao Quốc gia của Việt Nam để chẩn đoán lao và lao kháng đa thuốc kịp thời và chính xác. 2018-2023; 6,9 triệu đô la.

  • Thỏa thuận khung về phòng, chống lao (TIFA): 2019-2024; 2,2 triệu đô la. Dự án sẽ cung cấp nguồn lực bổ sung nhằm hỗ trợ Chương trình Chống Lao Quốc gia của Việt Nam cải thiện năng lực tập huấn và giám sát giúp đảm bảo cung cấp dịch vụ chẩn đoán và điều trị bệnh lao chất lượng và vận động Chính phủ Việt Nam cam kết chính trị và tài chính để đạt được mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030 tại Việt Nam.

  • Phát triển nguồn lực phân tích và kỹ thuật bền vững  (STAR): hỗ trợ cung cấp các chuyên gia kỹ thuật biệt phái nhằm nâng cao năng lực của Chương trình Chống Lao Quốc gia trong việc quản lý hệ thống giám sát và quản lý chuỗi cung ứng. 2018-2023; 1,1 triệu đô la.

  • Xóa bỏ bệnh Lao:  tăng cường chẩn đoán và tiếp cận dịch vụ chăm sóc bệnh lao; nâng cao năng lực của các tổ chức địa phương và các cơ sở cung cấp dịch vụ tư nhân để có thể tham gia vào công tác phòng chống lao, đẩy nhanh việc giảm tỷ lệ mắc mới bệnh lao tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

  • USAID hỗ trợ xóa bỏ bệnh lao: nâng cao năng lực ở tất cả các tuyến trong Chương trình Chống Lao Quốc gia (CTCLQG) nhằm cải thiện hoạt động lập kế hoạch và triển khai các can thiệp quan trọng để đạt được mục tiêu chấm dứt bệnh lao. Dự án cũng hỗ trợ cung cấp thông tin và hướng dẫn kỹ thuật cho CTCLQG về các sáng kiến mới trên toàn cầu và các thực hành chuẩn về chẩn đoán và điều trị lao, lao kháng đa thuốc và lao tiềm ẩn. 2020-2025; 15 triệu đô la.

  • Giảm thiểu rủi ro và Quản lý các mối đe dọa sức khỏe con người song hành với quản lý nguồn lây từ động vật: thông qua đối tác thực hiện của USAID là tổ chức FAO, dự án hỗ trợ an ninh sinh học tại các trang trại chăn nuôi gia súc và động vật hoang dã, giám sát và báo cáo về các mối đe dọa sức khỏe động vật và tập trung vào chấm dứt buôn bán và tiêu thụ các loài chim hoang dã và động vật có vú hoang dã.

  • Đội ngũ y tế- Một Sức khỏe thế hệ mới (OHW-NG): cung cấp đào tạo cho thế hệ các nhân viên y tế mới về những quy tắc và thực hành Một Sức khỏe. 2020-2024; 600.000 đô la trong năm đầu tiên.

  • Nỗ lực hướng tới An ninh Y tế Công cộng toàn cầu (WHO): tăng cường năng lực của Việt Nam đáp ứng Điều lệ Y tế Quốc tế (IHR 2005) về phòng ngừa, phát hiện, đánh giá và ứng phó trước các tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng. Dự án chủ yếu tập trung vào hỗ trợ kỹ thuật liên quan đến COVID-19 cho Bộ Y tế trong bối cảnh đại dịch đang diễn ra và sẽ tiếp tục hỗ trợ rộng rãi cho hầu hết các lĩnh vực về y tế công cộng tại Việt Nam. 2020; 700.000 đô la.

  • Giám sát và Phát hiện các Bệnh truyền nhiễm (IDDS) - GHS: nâng cao năng lực ở cấp tỉnh và cấp huyện về giám sát, thu thập và vận chuyển mẫu bệnh, về giám sát dựa trên sự kiện xảy ra và báo cáo trên cả hai lĩnh vực sức khỏe con người và động vật. 2020-2024; 1,7 triệu đô la.