Speeches Shim
Chính phủ Việt Nam đang ngày càng nhận thấy năng lượng tái tạo (NLTT) và sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả sẽ giúp duy trì đà tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ sức khỏe con người và môi trường. Việt Nam đã đặt ra chỉ tiêu tăng tỷ lệ điện năng sản xuất từ các nguồn NLTT lên 6,5% vào năm 2020 và 10,7% vào năm 2030. Chính phủ Việt Nam cũng đặt ra chỉ tiêu đối với các doanh nghiệp về giảm 10% mức tiêu thụ điện năng vào năm 2020. Dự án V-LEEP hỗ trợ Chính phủ Việt Nam xây dựng và triển khai một khung chính sách nhằm giúp đạt được các mục tiêu đầy tham vọng này. Dự án cũng hợp tác với khu vực tư nhân nhằm phát triển các giải pháp năng lượng sạch và thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực này.
HỖ TRỢ CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN PHÁT THẢI THẤP CỦA VIỆT NAM
Thông qua V-LEEP, USAID và Chính phủ Việt Nam cùng hợp tác hướng tới hài hòa hoá các chiến lược, luật, chính sách và quy định của nhà nước nhằm khuyến khích phát triển năng lượng sạch hiệu quả về mặt chi phí. Ví dụ, V-LEEP đang phối hợp với Bộ Công Thương trong hoạt động chuyển đổi thị trường điện của Việt Nam trở nên xanh và bền vững hơn thông qua các phương pháp tiếp cận chính sách sáng tạo và phân tích số liệu hiện đại. V-LEEP cũng đang hỗ trợ Bộ Công Thương xây dựng Quy hoạch Điện VIII (giai đoạn 2021-2030) với mục tiêu tăng cường năng lực quy hoạch điện quốc gia và định hình lĩnh vực năng lượng của Việt Nam trong tương lai.
THÚC ĐẨY ĐẦU TƯ TƯ NHÂN VÀ MỞ RỘNG TIẾP CẬN NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO
V-LEEP hỗ trợ Chính phủ Việt Nam đẩy mạnh phát triển các dự án NLTT trong bối cảnh Việt Nam đang tìm cách cung ứng điện cho các hộ gia đình và doanh nghiệp từ nguồn tài nguyên thiên nhiên sạch và dồi dào của mình như gió, mặt trời và sinh khối. V-LEEP đang làm việc với các nhà phát triển dự án, các nhà đầu tư và các định chế tài chính để tăng khả năng sẵn sàng đầu tư dự án, tiếp cận nguồn kinh phí và nâng cao năng lực kỹ thuật và tài chính trong nước. V-LEEP cũng hợp tác với Cục Điều tiết Điện lực để giúp triển khai áp dụng Hợp đồng Mua bán điện trực tiếp (DPPA). DPPA là cơ chế cho phép các tập đoàn lớn mua điện trực tiếp từ các nhà sản xuất NLTT, từ đó giúp mở rộng thị trường NLTT.
ÁP DỤNG CÁC CÔNG NGHỆ VÀ THỰC HÀNH SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG HIỆU QUẢ
Lĩnh vực công nghiệp của Việt Nam tiêu thụ đến 40% tổng nguồn lực năng lượng của cả nước trong năm 2015. Tăng cường sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong công nghiệp là ưu tiên hàng đầu về an ninh năng lượng của Việt Nam. Để hỗ trợ mục tiêu này, V-LEEP hỗ trợ Chính phủ Việt Nam tăng cường khung chính sách về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thông qua xây dựng các tiêu chuẩn công nghiệp nhằm giảm thiểu tỷ suất năng lượng công nghiệp (điện năng tiêu thụ để sản xuất ra một sản phẩm) và áp dụng nhiều kỹ thuật mới nhằm đảm bảo tuân thủ và thực thi các quy định hiện hành.
Comment
Make a general inquiry or suggest an improvement.