Speeches Shim
Tiến sĩ Huỳnh Thị Vân là Trưởng khoa Phòng ngừa và Kiểm soát lây nhiễm của bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định. Thường được các đồng nghiệp mô tả là một lãnh đạo chủ động và ham học hỏi, Tiến sĩ Vân luôn cố gắng cập nhật những kiến thức y khoa tiên tiến nhất. Đầu năm 2020, Tiến sĩ Vân đã tham gia một chương trình được xây dựng bởi Dự án Liên minh Cải thiện Chất lượng Đào tạo Y khoa và Quản lý các bệnh mới nổi (IMPACT-MED) do USAID tài trợ với mục tiêu tập huấn cho các nhân viên y tế và tăng cường hệ thống y tế trong ứng phó đại dịch COVID-19.
Mặc dù đã có nhiều năm kinh nghiệm là chuyên gia trong lĩnh vực phòng ngừa và kiểm soát lây nhiễm, Tiến sĩ Vân vẫn cho rằng “Những kiến thức mà tôi có được từ khóa tập huấn này đã giúp tôi hiểu hơn về tác nhân gây bệnh, các con đường lây nhiễm bệnh, v..v.. và quan trọng nhất là tôi đã được tập huấn về các kịch bản cho hoạt động sàng lọc y tế, dự phòng và cách ly một cách cụ thể, rõ ràng, chi tiết và có tính ứng dụng cao trong thực tiễn.”
Sau khi nghiên cứu tình hình tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định, Tiến sĩ Vân đã thuyết phục ban giám đốc bệnh viện bố trí lại khu vực tiếp đón bệnh nhân theo cách mà cô đã được tập huấn và thiết lập một hệ thống điện tử cho việc khai báo y tế để phục vụ công tác ứng phó đại dịch.
Khi làn sóng virus corona thứ hai bùng phát tại Việt Nam vào tháng 7/2020, Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng đã đề nghị Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định hỗ trợ. Tiến sĩ Vân đã có hành động ngay lập tức với việc tổ chức một buổi tập huấn với các đồng nghiệp khác để chuẩn bị cho đội ngũ tình nguyện viên sẽ đi tới Đà Nẵng. Họ đã chia sẻ những kỹ năng và kiến thức mới lĩnh hội được từ khóa tập huấn của dự án IMPACT-MED cho nhóm 10 nhân viên y tế trẻ và nhiệt huyết của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định. Nói về nhóm nhân viên y tế tình nguyện trẻ này, Tiến sĩ Vân cho biết “họ tràn đầy năng lượng và tự nguyện chiến đấu dũng cảm trước đại dịch COVID-19 với vai trò là những nhân viên y tế tuyến đầu.”
Mặc dù Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định đã tập huấn về COVID-19 cho các chuyên gia y tế nòng cốt làm việc tại các Khoa Bệnh truyền nhiễm, Chăm sóc tích cực (ICU), Phòng ngừa và Kiểm soát lây nhiễm (ICP), nhưng các nhân viên y tế khác lại chưa được tập huấn. Tiến sĩ Vân đã đẩy mạnh hoạt động chia sẻ kiến thức rộng rãi với đồng nghiệp ở các bệnh viện khác vì đây là yếu tố rất quan trọng trong cuộc chiến chống lại COVID-19. Cô cho biết: “Tôi hiểu rằng các nhân viên y tế phải có kiến thức và kỹ năng để có thể ứng phó đại dịch thành công. Đồng thời, các nhân viên y tế tuyến đầu cần phải được tập huấn để có thể sử dụng thành thạo thiết bị bảo hộ cá nhân để bảo vệ bản thân và bệnh nhân của mình khỏi việc bị lây nhiễm hoặc trở thành nguồn lây nhiễm.” Tiến sĩ Vân nhấn mạnh đến giá trị mà tập huấn do USAID hỗ trợ đem lại cho mình và cho biết “Không có những kiến thức và kỹ năng cần thiết này, tôi sẽ không tự tin như thế này. Khi tôi tạm biệt các đồng nghiệp sẽ bay vào Đà Nẵng để hỗ trợ, tôi đã rất cảm động. Dù chúng tôi không biết khi nào sẽ chiến thắng được loại virus này, nhưng tôi thấy lạc quan vì tôi có cơ hội được đóng góp dù chỉ là một phần nhỏ trong cuộc chiến này.”
Các hoạt động đào tạo-tập huấn và hỗ trợ kỹ thuật mà Tiến sĩ Huỳnh Thị Vân đã tham gia là một trong nhiều hoạt động diễn ra trong khuôn khổ dự án ứng phó COVID-19 của liên minh IMPACT-MED do USAID hỗ trợ phối hợp với Bệnh viện Nhi Trung ương, Hội kiểm soát nhiễm khuẩn Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều chuyên gia, bác sĩ đầu ngành về phòng ngừa và kiểm soát lây nhiễm tại Việt Nam.
Câu chuyện liên quan
- USAID hỗ trợ đem đến các cơ hội kết nối kinh doanh trị giá 1,5 tỷ đô la cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam
- USAID khởi động dự án mới hỗ trợ Việt Nam chấm dứt lây nhiễm HIV/AIDS và Lao vào năm 2030
- USAID hỗ trợ những nỗ lực của Việt Nam trong việc cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia
Comment
Make a general inquiry or suggest an improvement.